NỘI DUNG
- 1 UBND TP Hà Nội yêu cầu Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Nhà đầu tư) với Công ty CP Phát triển địa ốc Cicenco5 (Doanh nghiệp dự án) nộp khoản lãi vay 920 tỷ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
- 1.1 Tháng 4/2008, Sở Giao thông vận tải ký hợp đồng với Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Nhà đầu tư) và Công ty CP Phát triển địa ốc Cicenco5 (doanh nghiệp dự án).
- 1.2 Dự án đường được khởi công từ ngày 26/4/2008, tuy nhiên tiến độ triển khai dự án rất chậm. Đến năm 2013, UBND TP đã chỉ đạo dừng triển khai dự án.
UBND TP Hà Nội yêu cầu Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Nhà đầu tư) với Công ty CP Phát triển địa ốc Cicenco5 (Doanh nghiệp dự án) nộp khoản lãi vay 920 tỷ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Tranh chấp nội bộ, nhùng nhằng số tiền 920 tỷ
UBND TP Hà Nội mới đây đã có văn bản trả lời ý kiến cử tri về dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) và dự án đối ứng khu đô thị Mỹ Hưng.
Liên quan đến dự án khu đô thị Mỹ Hưng, cử tri phản ánh dự án đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2008, đến nay chưa triển khai, hệ thống tưới tiêu bị hỏng không đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp nên người dân bỏ ruộng hoang.
Cử tri đề nghị UBND TP chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tuyến đường trục phía Nam và dự án khu đô thị Mỹ Hưng hoặc nếu chưa triển khai dự án khu đô thị thì đề nghị cải tạo hệ thống tưới tiêu để phục vụ nhân dân sản xuất.
Trả lời cử tri về dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), UBND TP cho biết, dự án đã được UBND tỉnh Hà Tây chấp thuận hồ sơ đề xuất dự án năm 2007.
Năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây chỉ định nhà đầu tư.
Tháng 4/2008, Sở Giao thông vận tải ký hợp đồng với Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Nhà đầu tư) và Công ty CP Phát triển địa ốc Cicenco5 (doanh nghiệp dự án).
Dự án đường được khởi công từ ngày 26/4/2008, tuy nhiên tiến độ triển khai dự án rất chậm. Đến năm 2013, UBND TP đã chỉ đạo dừng triển khai dự án.
Sang năm 2014, UBND TP đã có thông báo về việc xử lý tồn tại, vướng mắc trong triển khai dự án, trong đó đồng ý gia hạn và điều chỉnh hợp đồng BT theo điểm dừng kỹ thuật của dự án, chấp thuận mở rộng quy mô đoạn tuyến.
Đáng chú ý, theo UBND TP, trong quá trình triển khai dự án, có xảy ra tranh chấp nội bộ giữa nhà đầu tư (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5) và doanh nghiệp dự án (Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5).
Đồng thời, dự án phải giải quyết các tồn tại về thực hiện nghĩa vụ tài chính theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
UBND TP đã có các văn bản yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải giải quyết dứt điểm tranh chấp nội bộ, nộp ngay 920 tỷ đồng chi phí lãi vay theo kết luận thanh tra, chứng minh năng lực tài chính và bố trí kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng công trình BT; đảm bảo nguồn lực hoàn thành đầu tư tuyến đường thì sẽ xem xét, tiếp tục giao thực hiện đoạn tuyến từ Km19+900 đến K41+500 của dự án đường trục phía Nam.
Đến nay, theo UBND TP, việc giải quyết tranh chấp nội bộ giữa hai bên chưa được giải quyết, chưa thỏa thuận thống nhất được phương án xử lý đối với khoản lãi vay 920 tỷ đồng.
UBND TP cũng cho hay, tháng 7 vừa qua, UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu nhà đầu tư với doanh nghiệp dự án nộp ngay vào ngân sách nhà nước khoản tiền 920 tỷ trong thời hạn 3 tháng.
“Sau thời hạn trên, trường hợp các đơn vị không thực hiện hoàn thành kết luận của Thanh tra Chính phủ thì yêu cầu tạm dừng dự án (gồm dự án BT và dự án thanh toán dự án BT) và thành phố sẽ xem xét, đánh giá toàn bộ năng lực tài chính của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để quyết định việc tiếp tục triển khai thực hiện hoặc có biện pháp, phương án đầu tư khác để khẩn trương hoàn thành dự án” – UBND TP Hà Nội cho biết.
Được biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đôn đốc nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nộp ngay vào ngân sách nhà nước 920 tỷ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của các đơn vị.
“Sau khi nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục nêu trên, UBND TP sẽ xem xét, chỉ đạo tiếp tục triển khai dự án theo quy định”, lãnh đạo UBND TP thông tin.
Thay đổi tên người sử dụng đất, doanh nghiệp khiếu nại Hà Nội
Liên quan đến dự án khu đô thị Mỹ Hưng có quy mô 182ha. Đây là quỹ đất đối ứng cho dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) theo hình thức BT.
Từ năm 2008, dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, 1/500; phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp; Cho phép đầu tư và giao đất.
Trong khi dự án BT lùm xùm tranh chấp nội bộ thì dự án đối ứng cũng ì ạch tiến độ suốt hơn 10 năm qua.
Trước đó, ngày 25/11/2020, UBND TP đã có Quyết định số 5269 điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định 3128 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây trước đây.
Cụ thể, quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại Quyết định 3128 về việc thu hồi hơn 1,8 triệu m2 đất trên địa bàn xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh của huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng – Cienco5 như sau: từ Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 thành Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP.
Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 có khiếu nại về quyết định nêu trên của TP.
Hiện UBND TP đã giao Thanh tra TP kiểm tra rà soát tổng thể dự án, kết luận việc tham mưu, trình UBND TP ban hành Quyết định 5269, đề xuất báo cáo UBND TP.
Sau khi có báo cáo kết luận của Thanh tra TP, UBND TP cho biết sẽ xem xét, chỉ đạo việc thực hiện dự án khu đô thị Mỹ Hưng.
Thuận Phong
Báo vietnamnet.vn/